Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Đạo Giáo

Đạo giáo là một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, được xem là tôn giáo chính thống của xứ này. Nguồn gốc lịch sử được xác nhận của Đạo giáo được xem nằm ở thế kỉ thứ 4 trước CN, khi tác phẩm Đạo Đức kinh của Lão Tử xuất hiện. Các tên gọi khác là Đạo Lão, Đạo Hoàng Lão, hay Đạo gia.
Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ba truyền thống tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Quốc. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lí này đã hoà hợp thành một truyền thống. Ảnh hưởng Tam giáo trong lĩnh vực tôn giáo và văn hoá vượt khỏi biên giới Trung Quốc, được truyền đến các nước Đông Nam Á lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản
Người ta không biết rõ Đạo giáo khởi phát lúc nào, chỉ thấy được là tôn giáo này hình thành qua một quá trình dài, thâu nhập nhiều trào lưu thượng cổ khác. Đạo giáo tiếp thu nhiều tư tưởng đã phổ biến từ thời nhà Chu. Thuộc về những tư tưởng này là vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dương và Kinh Dịch. Nhưng, ngoài chúng ra, những truyền thống tu luyện thân tâm như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công, Thiền định, thiết tưởng linh ảnh, thuật luyện kim và những huyền thuật cũng được hấp thụ với mục đích đạt trường sinh bất tử. Việc tu luyện đạt trường sinh có bắt nguồn có lẽ từ những khái niệm rất cổ xưa, bởi vì trong Trang Tử Nam Hoa chân kinh, một tác phẩm trứ danh của Đạo giáo thế kỉ thứ 4 trước CN thì các vị tiên trường sinh bất tử đã được nhắc đến, và đại diện tiêu biểu cho họ chính là Hoàng Đế và bà Tây Trì Vương mẫu, những hình tượng đã có trong thời nhà Thương, thiên niên kỉ thứ hai trước CN.


Lão Tử và Đạo Đức kinh
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được là đã thật có một triết gia tên Lão Tử hay không. Các Đạo gia cho rằng, chính ông là tác giả của bộ Đạo Đức kinh. Tiểu sử của ông bị huyền thoại vây phủ và vì vậy gây nhiều tranh luận trong giới học thuật. Tương truyền ông sống thời Chiến Quốc, thế kỉ thứ 6 trước CN, một thời kì được đánh dấu bằng chiến tranh và loạn li. Nhưng thời này cũng được xem là thời vàng son của triết học Trung Quốc vì nhiều nhà tư tưởng đã tìm cách giải hoá vấn đề an dân lập quốc. Do đó mà người sau cũng gọi thời kì này là thời của Bách Gia Chư Tử. Đạo Đức kinh hàm dung những tư tưởng này, hướng đến những nhà cầm quyền và cải cách hoà bình.

Trang Tử và Nam Hoa chân kinh
Bộ Trang Tử Nam Hoa Chân Kinh thì được viết với một phong cách hoàn toàn khác. Tác phẩm này được biên soạn ở thế kỉ thứ 4 trước CN và tương truyền tác giả là Trang Tử. Trong Nam Hoa kinh, thể tính của Đạo được miêu hoạ qua những ngụ ngôn, những mẩu chuyện hàm dung những cuộc đàm thoại triết học. Trang Tử lấy nhiều điểm được nhắc đến trong Đạo Đức kinh làm chủ đề, nhưng lại bài bác những điểm khác một cách rõ ràng. Ví dụ như Trang Tử không hề nhắc đến việc nhắc nhở những nhà cầm quyền an quốc trị dân. Một chân nhân vô sự, lìa thế gian là người lí tưởng trong tác phẩm này. Như trường hợpĐạo Đức kinh, việc xác nhận tác giả của tác phẩm này cũng là một điểm tranh luận lớn. Mặc dù Trang Tử được xem là một nhân vật lịch sử nhưng theo những nhà nghiên cứu sau này thì tác phẩm Nam Hoa chân kinh phần lớn có lẽ được các đệ tử sau này biên tập.

Khái niệm Đạo
Tên Đạo giáo xuất phát từ chữ Đạo, một danh từ triết học Trung Hoa đã được dùng rất lâu trước khi bộ Đạo Đức kinh xuất hiện, nhưng chỉ đạt được tầm quan trọng đặc biệt, phổ cập trong văn bản này. Đạo ban đầu có nghĩa là "con đường", những ngay trong tiếng Hán cổ đã có nghĩa "phương tiện", "nguyên lí", "con đường chân chính". Nơi Lão Tử, danh từ này được hiểu như một nguyên lí cơ sở của thế gian, xuyên suốt vạn vật. Theo kinh văn, Đạo là hiện thật tối cao, là sự huyền bí tuyệt đỉnh:
Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề, tự vạn vật chi tông.
Đạo trống không, nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Đạo sâu thẳm, dường như là tổ tông của vạn vật.
Đạo là đơn vị tối sơ, nguyên lí của vũ trụ và là cái tuyệt đối. Vạn vật xuất phát từ Đạo, nghĩa là cả vũ trụ và như vậy, trật tự vũ trụ cũng từ Đạo mà ra, tương tự như nguyên tắc tự nhiên, nhưng Đạo lại chẳng phải là một nhân vật toàn năng, mà là nguồn gốc và sự dung hoà tất cả những cặp đối đãi và như thế, không thể định nghĩa được. Đạo là Vô danh, như câu đầu của bộ kinh này cho thấy:
Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh.
Vô danh thiên địa chi thuỷ, hữu danh vạn vật chi mẫu.
Đạo có được là phi thường đạo. Danh có được là phi thường danh
Vô danh là gốc của trời đất, hữu danh là mẹ của vạn vật.
Về mặt triết học thì Đạo có thể được xem là siêu việt mọi khái niệm vì nó là cơ sở của tồn tại, bao gồm tồn tại và phi tồn tại. Trên cơ sở này thì ta không thể luận đàm, định nghĩa được Đạo vì mỗi định nghĩa đều có bản chất hạn chế. Đạo là sự siêu việt tồn tại trên các nguyên lí bên trong trong vũ trụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét