Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Ghé thăm nhạc sĩ Phan Nhân







Lâu lắm rồi mới có dịp xuống Sài Gòn, nhân tiện ghé thăm một nhạc sĩ của dòng nhạc kháng chiến: Nhạc sĩ Phan Nhân tác giả bài hát “ Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Tôi hỏi thăm một người tuổi cũng đã nghỉ hưu chỉ tôi nhà của nhạc sĩ và nói: Hổng biết ông Phan Nhân có còn ở đó không hay đã chuyển nơi nào khác rồi.
Ra mở cửa cho tôi là một ông già chống gậy. Ông ngỡ ngàng hồi lâu rồi mới nhận ra tôi. Tôi nhớ hồi năm 1998 tôi có ghé thăm nhạc sĩ ngỏ lời: Khi nào Như Đồng ghé đây cho mình đến thăm gia đình cậu. Lời nói thân tình của người nhạc sĩ già này khiến cho tôi nhớ mãi.
Tôi , nhạc sĩ Phan Nhân và nhà thơ Đoàn Vy có nhiều kỷ niệm vì chúng tôi ngồi cùng bàn. Đoàn Vy một giáo viên dạy Hóa trường trung học Lê Quí Đôn. Tôi thường đùa phong cho Đoàn Vy chức bí thư thường trực 81 Trần Quốc Thảo, vì những thời gian rỗi Đoàn Vy đều ngồi ở đây. Có một dịp Đoàn Vy chuẩn bị xuất bản tập thơ của cá nhân mình, Phan Nhân đem đến tặng cho Đoàn Vy tấm ảnh chân dung đang đọc thơ nhân ngày nhà giáo ở nhà văn hóa Lao Động, mà phông ảnh có hình của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang ngồi chăm chú nghe Đoàn Vy đọc thơ. Trong nhiếp ảnh Phan Nhân cũng rất tài hoa, rất ý vị.
Có lần hội nhạc sĩ tổ chức dàn dựng những tác phẩm của Phan Nhân thành băng nhạc ( hồi đó còn rất ít đĩa nhạc). Ông mang máy cacsess đến mở cho mọi người nghe bỗng dưng có người la lớn: Biết rồi – Khổ quá – Nói mãi!... Nhìn lại thì ra là một nhà thơ trẻ, đẹp trai Nguyễn Tấn Cứ đang gật gật đầu khinh khỉnh. Bực mình nhưng Phan Nhân kiềm chế được ông đi vào toilet. Bỗng ở đâu đó có người nói bồi thêm: Hồi đó mà thằng cha Nguyễn Cao Kỳ chôm được của Mỹ quả bom nguyên tử thì tiêu luôn niềm tin và hy vọng.
Khi trở ra Phan Nhân lừ mắt về phía Nguyễn Tần Cứ và nói: Mày… mày là thằng nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ…. rồi ông ngồi xuống. Phan Nhân biết giữ cho mình đúng mực dù rằng người đó sai trái với mình.
Nhạc sĩ Phan Nhân năm nay đã 79 tuổi. Tôi nói rằng đó là cái tuổi mà Bác Hồ nhà mình đi gặp Các Mác gặp Lê Nin . Phan Nhân cười trả lời: Còn mình thì có lẽ mình gặp Diêm Vương.
Bây giờ mỗi lần kỷ niệm Mỹ ném bom 12 ngày đêm Hà Nội người ta lại phát lên bài hát của Phan Nhân. Người nghe vẫn cảm nhận được cái bi hùng nhân bản của bài hát, dù người đó ở bên kia chiến tuyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét