Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Hèn



Hèn là nhút nhát đến mức đáng khinh: Chỉ thế mà không dám nói, sao mà hèn thế. Ở hạng tồi kém, bị khinh bỉ: người hèn, phận hèn, tài hèn sức mọn.Các từ điển tiếng Việt đại khái định nghĩa từ hèn là như thế.
‘Hèn nhát’ có tới 327.000 kết quả trên Google cho cộng đồng người Việt 80 triệu người. Trong khi từ cùng nghĩa ‘hèn’trong tiếng Anh là ‘vileness’ chỉ có 220.000 kết quả trên Google cho cộng đồng nói tiếng Anh gần một tỷ người. Từ ‘vile’ cũng là hèn trong tiếng Anh nhưng không thấy kết quả nào.
Hèn cũng là hiện tượng phổ biến không tốt đẹp trong cộng đồng Việt Nam chúng ta. Vừa rồi có ‘ Nhật ký của một thằng hèn’ của nhạc sĩ Tô Hải, giải thưởng cấp nhà nước của Việt Nam làm chấn động trong thế giới người Việt, không phải là chuyện đáng báo động sao!?
Các vua chúa nhà Nguyễn chấp nhận sự nô dịch để bảo vệ quyền lợi của mình. Phan Thanh Giản biết mình hèn khi phải vâng lệnh ký thỏa hiệp giao các tỉnh Miền Nam cho Pháp. Đó là cái hèn của kẻ yếu với kẻ mạnh,vì không hèn thì không tồn tại. Cái hèn đó đã phân minh và mang tính lịch sử.
Cái hèn của nước nhỏ bên cạnh một nước lớn. Bị mất lãnh thổ mà không dám đưa ra quốc tế để được bên vực. Không nhận thức đúng, không chân thật, trung thực,công bằng với lịch sử để giải quyết quyền lợi của cộng đồng. Sợ hải phải dân chủ và phải tuân thủ các luật pháp quốc tế đó là cái hèn nhận thức.
A dua, xu nịnh không có chính kiến, thấy việc làm sai trái không dám chỉ trích, sợ hãi trước quyền lực, thấy tội phạm không dám trấn áp, không dám tin tưởng vào hiểu biết của mình. Đó là cái hèn của trí thức.
Có một nhà thơ Hữu Loan nào đó chấp nhận khuân vác gần nửa triệu tấn đá để nuôi sống gia đình, ông và gia đình trở thành sự bần cùng cơ hàn nhất của xã hội Việt Nam hiện đại, nhưng ông không bao giờ hèn. Nhân dân không bao giờ hèn.
Và lịch sử cũng có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ biết có quyền lợi của riêng mình, đó chỉ là phần nhỏ thiểu số lãnh đạo hèn. Nhưng khi đọc lên cái tên Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ta tin rằng dân tộc ta không bao giờ hèn.
Nước Nhật phát xít phải đầu hàng đồng minh sau khi bị hai quả bom nguyên tử vì không đầu hàng thì thiệt hại còn nặng nề hơn. Nước Nhật chấp nhận cho mình một luật chơi mới sau khi đầu hàng đồng minh và trở thành nước có vị thế trên thế giới và chưa ai nói người Nhật hèn.
Pak Chung Hee vì không chịu từ bỏ quyền lực của mình nên đã thi hành nhiều chính sách độc đoán phản dân chủ nên đã bị ám sát bởi những người cùng cộng sự với mình. Đó là cái chết hèn cảnh báo cho những nhà độc tài.
Cái hèn nhất định sẽ bị cô lập và thất sủng, vì bây giờ nhận thức của người dân cũng đã nâng cao, thông tin mang tính toàn cầu. Người xấu sẽ bị điểm mặt và thông tin nhanh chóng nên chẳng ai mà dám sống hèn.Người Việt Nam hiện nay không muốn đối đầu nhưng người ta cũng biết rõ thế nào là hèn.
Người ta hèn vì được hưởng quyền lợi nhiều hơn năng lực và uy tín của mình, vì bảo vệ quyền lợi của mình cho nên phải gian giảo, phải hèn. Vì thế mà cái hèn hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Ba bảo rằng Đức phải chăm chỉ học hành để sống bằng năng lực của mình. Để không phải sống hèn.
Chiến thắng cái hèn là thách thức của mọi người dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét