Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Nói về chữ “Lễ”

Chữ lễ ở đây là mình muốn nói về sự giao tiếp của người với người.
Ông bà mình dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong nho giáo Không Tử xếp thứ ba trong ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đó là năm điều ở đời làm người ai cũng phải có. Khổng Tử cho rằng “lễ” là một sự thể hiện của “ Nghĩa”. Thực ra đã “nhân” là có đủ: nghĩa, lễ, trí, tín. “Lễ” là một tính cách của “Nhân”. Và “lễ” là một trong những điều quan trọng để đánh giá phẩm chất của một con người không chỉ riêng các nước Á Đông.
Trong dân gian có câu: “ Phú quí sinh lễ nghĩa”. Ở đây người ta nhìn thấy được hiện tượng nhưng không thấu hiểu được bản chất của lễ nghĩa. Sự giàu có nó là phương tiện để thể hiện một phần của lễ nghĩa. Nhưng đâu chỉ những người giàu có mới có lễ nghĩa.
“Lễ” là phần ta nghe,nhìn và cảm nhận được, là phần hiện ra từ phẩm chất của một con người.
Lễ cũng là những cử chỉ yêu thương, tôn trọng, sự ân cần của cá nhân với gia đình, dòng họ, bạn bè và cộng đồng
Lễ không chỉ là tôn kính, biết ơn của người dưới đối với người trên, mà lễ cũng là sự thương yêu tôn trọng của người trên với người dưới, giữa người với người.
Lễ không phải là phép tắc của người cao sang quyền quí, lễ cũng không phải là sự bợ đỡ nịnh nọt của người dưới với người trên, mà “lễ” là sự thể hiện nhân tính giữa người với người.
“Lễ” là một tính cách của “Nhân”, “Lễ” thuộc về “Nhân”, “Lễ” mà bất nhân thì không còn là “Lễ” nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét